Doanh nghiệp ngành nhôm Việt nỗ lực “tự cứu mình”
Theo quyết định mới đây của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời (không quá 120 ngày) đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế từ 2,46% -35,58%.
Đây là một quyết định quan trọng, cần thiết và kịp thời để các doanh nghiệp trong ngành yên tâm, đặt niềm tin vào sự đồng hành cũng như sự cam kết của Chính phủ.
Khó khăn cộng hưởng
Có thể nói, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đã gặp phải những khó khăn rất lớn khi khi các sản phẩm nhôm giá rẻ, không rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam khiến cán cân thị thị phần giữa nhôm Trung Quốc và nhôm trong nước quay ngược hoàn toàn.
Nếu như năm 2017, nhôm trong nước chiếm 70%, nhôm Trung Quốc chiếm khoảng 30%, thì đến nay nhôm Trung Quốc đã hoàn toàn áp đảo với 70% thị phần và nhôm trong nước chỉ còn vỏn vẹn khoảng 30%.
Theo ông Trần Dũng – Giám đốc Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp thì thời gian qua, các doanh nghiệp đã gặp phải những thách thức “chưa bao giờ có” khi các khó khăn dường như cộng hưởng nhau.
Đầu tiên là việc phía Trung Quốc đang áp dụng chinh sách hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu nhôm từ 13-17% tạo ra lợi thế quá lớn về mặt giá cả.
Tiếp theo là việc hàng Trung Quốc tràn vào trong khi chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật về chất lượng nên không thể ngăn chặn từ gốc các sản phẩm chất lượng kém tràn vào thị trường. Cộng với việc công tác tuyên truyền chưa đảm bảo nên người tiêu dùng rất dễ đánh đồng các sản phẩm với nhau, không phân biệt được đâu là sản phẩm tốt, sản phẩm kém chất lượng.
Doanh nghiệp nhôm Việt vừa gồng mình chống chọi để tồn tại trong một cuộc cạnh tranh về giá thành, vừa phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.
Thứ ba, sự “thua thiệt” của doanh nghiệp nhôm trong nước xuất phát từ việc có hiện tượng các sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc được nhập lậu trốn thuế theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam.
Như vậy, các sản phẩm nhôm Trung Quốc đã được hoàn thuế lại có một phần được nhập lậu trốn thuế đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nhôm trong nước đang gặp phải sự “cộng hưởng khó khăn”. Việc này đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ phá sản khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phải chấp nhận bán dưới giá thành sản xuất, thua lỗ kéo dài.
Do đó, ông Trần Dũng cho rằng việc Bộ Công thương ban hành Quyết định 1480/QĐ-BCT là rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp trong nước bước đầu cảm thấy yên tâm về sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, từ đó các doanh nghiệp sẽ lấy lại niềm tin, khởi động lại quá trình sản xuất, đầu tư mở rộng quy mô.
Doanh nghiệp phải “tự cứu mình”
Bên cạnh các tác động tiêu cực, những diễn biến vừa qua của thị trường nhôm cũng cũng đã róng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm túc để các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước tự đánh giá lại năng lực cạnh tranh của mình.
Bởi quyết định 1480/QĐ-BCT của Bộ Công thương cũng không phải là một “chiếc phao” hay một “cái ô” để các doanh nghiệp cố thủ bám vào mà bản thân các doanh nghiệp dù “vui tin mới” từ chính sách áp thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng cũng không được chủ quan “quên nhiệm vụ” phải liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Khó khăn khách quan trước mắt là không thể tránh khỏi, nhưng trong “nguy” lại có “cơ”.
Trước những diễn biến vừa qua, doanh nghiệp đã xác định đi chậm nhưng chắc, chú trọng đầu tư công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao hiệu suất sản xuất cũng như tìm hướng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường như Mỹ, Canada, Hàn Quốc với nhiều hình thức linh động”.
Ông Trần Dũng
Giám đốc công ty nhôm
Ngọc Diệp
Rõ ràng, các biện pháp phòng vệ thương mại đều nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường cạnh tranh bình đẳng vì lợi ích người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước, việc phải liên tục cập nhật khoa học kỹ thuật, cải tiến quản trị nhằm nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm cũng như việc phải đổi mới, linh hoạt trong cách thức tiếp cận khách hàng, tìm kiếm và tiếp cận những thị trường mới được xem là “chìa khóa” để giành thị phần, tồn tại và phát triển.
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước tìm đường tiếp cận thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng là một hướng đi được đánh giá cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tuy vậy, xu hướng này tuy mới chớm khởi sắc lại đang gặp khó trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết và Mỹ cũng vừa hoàn thành điều tra chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam và mức thuế suất lên tới 374,15% đã được áp tạm thời theo kết quả điều tra sơ bộ được công bố mới đây.
Do đó, bên cạnh một số doanh nghiệp trong nước làm ăn chụp giật, cơ hội tạo “cửa sau” cho nhôm Trung Quốc lẩn tránh nguồn gốc thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính để có thể xuất khẩu sản phẩm qua các nước như Mỹ, Canada,… cũng cần phải có đối sách căn cơ để giải quyết vấn đề này để tranh việc bị áp thuế không đáng có.
Có thể dẫn ra ví dụ như đối với một số dòng sản phẩm của công ty Ngọc Diệp mới đây vừa kết nối xuất được sang các thị trường Mỹ, Canada thì doanh nghiệp này đều phải thực hiện việc kiểm soát rất chặt đầu vào của tất cả các nguồn nguyên vật liệu, thậm chí mời trực tiếp đối tác sang tận nhà máy để cùng kiểm soát nhằm minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, để có những thành công bước đầu trong việc đưa sản phẩm nhôm Việt xuất ngoại, doanh nghiệp này cũng phải chủ động linh hoạt, đa dạng trong các hình thức hợp tác như vừa xuất sản phẩm mang thương hiệu DINOSTAR song song với các hình thức hợp tác gia công với đối tác quốc tế.
Nguồn Báo diễn đàn doanh nghiệp (VCCI): http://enternews.vn/doanh-nghiep-nganh-nhom-viet-no-luc-tu-cuu-minh-151604.html