tin tức | 10-04-2021

Ứng dụng của Nhôm trong lĩnh vực Xây dựng (Phần 2)

Nhôm góp phần tích cực thúc đẩy thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị hiện đại nhờ lợi thế về mặt thẩm mỹ, bền nhẹ và khả năng tương thích với nhiều điều kiện môi trường. Các tòa nhà chọc trời, trung tâm thương mại giải trí, triển lãm, sân vận động thể thao đều ứng dụng nhôm trong xây dựng. Nhôm là công cụ cho sự sáng tạo không giới hạn trong bàn tay của các kiến trúc sư. Nó có thể tạo ra bất kỳ hình dạng kiến trúc nào, kiến tạo nên những công trình kiến trúc không thể làm từ gỗ, nhựa hay thép.

  1. Ứng dụng của nhôm trong xây dựng các công trình

Vào đầu thế kỷ trước, nhôm hầu như không được sử dụng trong công trình dân dụng, vì kim loại này quá đắt và không đủ nguồn cung. Mọi thứ thay đổi vào những năm 1920, khi quá trình điện phân làm giảm 80% giá thành của nhôm. Từ đó, kim loại này trở nên cực kỳ phổ biến trong các công trình xây dựng.

Tòa nhà đầu tiên mà Nhôm được sử dụng là tòa nhà Empire State, tòa nhà chọc trời nổi tiếng ở New York được xây dựng vào năm 1931 – và là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến năm 1970. Nhôm được sử dụng trong tất cả các cấu trúc cơ bản của tòa nhà và được ứng dụng rộng rãi trong cả nội thất. Một trong những điểm nhấn của tòa nhà là bức bích họa trên trần được làm bằng nhôm và vàng 23 karat.

Empire State Building, USA

Tuổi thọ tối thiểu của kết cấu nhôm là 80 năm. Trong khoảng thời gian này, nhôm có thể được sử dụng trong mọi điều kiện khí hậu và không bị mất các đặc tính vật lý trong điều kiện nhiệt độ từ –80°C đến +300°C. Đặc biệt, kim loại này thậm chí còn trở nên chắc chắn hơn ở nhiệt độ thấp. Nó được sử dụng rộng rãi trong xây dựng ở các khu vực lạnh giá, như Bắc Urals, Siberia và Yakutia ở Nga.

Nhờ trọng lượng riêng thấp, trọng lượng của kết cấu nhôm bằng một nửa đến hai phần ba trọng lượng của kết cấu thép và bằng một phần bảy trọng lượng của kết cấu bê tông cốt thép có cùng khả năng chịu lực. Đó là lý do tại sao ngày nay Nhôm được sử dụng trong các tòa nhà cao tầng và nhà chọc trời. Trọng lượng nhẹ của nhôm làm cho các thành phần cơ học của các công trình nhẹ hơn, giảm thiểu sự đối trọng và mang lại nhiều không gian sáng tạo hơn cho các kiến trúc sư. Ngoài ra, việc làm việc với các kết cấu nhẹ sẽ đơn giản hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Ngoài ra, nhôm sau khi được anốt hóa tăng cường khả năng chống ăn mòn và có thể tạo màu bất kỳ – ưu điểm của nhôm được các nhà thiết kế đánh giá cao. Trần của các tòa nhà của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Cung điện Kremlin có các tấm nhôm anốt lấp lánh như vàng.

       2. Các tòa nhà chọc trời

Cửa và vách nhôm kính ngày càng được sử dụng phổ biến trong các tòa nhà trên thế giới vì chúng giúp tiết kiệm năng lượng cũng như giảm đáng kể lượng phát thải khí CO2.

                    St Mary Axe, London, United Kingdom                         GT Tower East Location, Seoul, South Korea

                        Moscow-City, Moscow, Russia                       The Co-operative Group, Manchester, United Kingdom

Năm 1993, toàn bộ khung sắt của tất cả 6.514 cửa sổ của tòa nhà Empire State đã được thay thế bằng khung nhôm. Các cửa sổ mới chiếm 30% bề mặt tòa nhà, do đó đảm bảo tiết kiệm 16% năng lượng tiêu thụ hàng năm.

Năm 2012, Siemens đã khai trương Trung tâm Phát triển Đô thị Bền vững Crystal tại London. Tòa nhà được thiết kế bằng việc ứng dụng vật liệu nhôm và các kỹ thuật xây dựng tiết kiệm năng lượng mới nhất. Crystal tiêu thụ ít điện hơn 46% và tạo ra ít carbon dioxide hơn 65% so với bất kỳ tòa nhà văn phòng nào khác có kích thước tương đương.

The Crystal, London, United Kingdom

Theo dự báo, dân số thế giới sẽ là 10 tỷ người vào năm 2050. Hai phần ba số người này sẽ sống ở các thành phố, đồng nghĩa với vấn đề môi trường sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm khả năng thiếu đất, nước và các nguồn tài nguyên khác. Nhôm là kim loại có thể tái chế 100% và giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Vì thế, nhôm được coi là kim loại của tương lai.

       3. Các công trình kiến trúc nghệ thuật

Nhẹ và chắc chắn, nhôm được sử dụng để xây dựng các tòa nhà có diện tích lớn với những hình dạng khác thường.

Công viên giải trí khổng lồ Ferrari World ở Abu Dhabi, mở cửa năm 2010, có mái vòm bằng nhôm lớn nhất thế giới với diện tích 200.000 mét vuông. Nhôm được sử dụng trong mái vòm đủ để chế tạo ra 16.750 chiếc Ferrari.

Ferrari World, Abu Dhabi, United Arab Emirates

Phòng hòa nhạc Sage Gateshead ở Anh có hình dáng giống với sóng âm. Cấu trúc công trình bao gồm nhôm, kính và thép.

The Sage Gateshead, Gateshead Quays, United Kingdom

Phần mái của giếng trời Riverwalk khổng lồ trong khu phức hợp khách sạn Gaylord Texan Resort & Convention Center, gần Dallas ở Mỹ, được làm bằng khung nhôm tráng men. Giếng trời có diện tích hơn 16.000 mét vuông, duy trì một hệ sinh thái thực vật bên trong khu phức hợp.

Gaylord Texan Resort & Convention Center, Grapevine, Texas, USA

Phòng hòa nhạc nổi tiếng Dzintari ở Jurmala, Latvia có mái trượt bằng nhôm. Theo quan điểm công nghệ là không thể tạo ra một cấu trúc như vậy từ thép.

      4. Các công trình kiến trúc thể thao

Nhôm được sử dụng rộng rãi để xây dựng các công trình quy mô lớn có hình dáng phi tiêu chuẩn như sân vận động, bể bơi và các cơ sở thể thao.

Mái của Trung tâm Thủy sinh được xây dựng cho Thế vận hội Olympic London 2012 được bao phủ bằng nhôm với hình dạng của một con sóng biển khổng lồ. Mái nhà dài 160 mét và nặng 3.000 tấn.

London Aquatics Centre, London, United Kingdom

Nhôm là một trong những vật liệu quan trọng được sử dụng để xây dựng các cơ sở thể thao Olympic ở Sochi cho Thế vận hội mùa đông 2014. Tổng diện tích nhôm được sử dụng trong các sân trượt băng Bolshoi và Iceberg, sân vận động hai môn phối hợp Laura và trung tâm đua xe trượt tuyết Sanki đã vượt quá 16.000 mét vuông.

The Iceberg Skating Palace, Sochi, Russia

Hiện nay, các chuyên gia đang nghiên cứu những khả năng mới để sử dụng nhôm làm vật liệu xây dựng cơ bản. Các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đã phát triển các tấm nhôm sáng tạo có thể được sử dụng trong xây dựng các kết cấu cao tầng, đảm bảo năng lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn so với bê tông và thép.

Nguồn: Aluminium Leader

—–

Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp tự hào là doanh nghiệp sản xuất nhôm hàng đầu tại Việt Nam với sản phẩm nhôm mang thương hiệu Dinostar. Với nhà máy quy mô lớn và dây chuyền sản xuất hiện đại, Nhôm Dinostar đáp ứng các quy chuẩn khắt khe, mang đến cho khách hàng sản phẩm nhôm chất lượng cao. Nhôm Dinostar đã có mặt tại 63 tỉnh thành và chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính tại Châu Âu và Châu Mỹ.

Phần 1: Ứng dụng của Nhôm trong lĩnh vực Giao thông vận tải

————————–
TẬP ĐOÀN NGỌC DIỆP

ĐỈNH CAO CHẤT LƯỢNG – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI

Trụ sở chính: 35 Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm – Hà Nội

Tel: 024 3942 2828 – Fax: 024 3942 7840

Hệ thống nhà máy: KCN Phố Nối A – Văn Lâm – Hưng Yên

Website: https://ngocdiep.vn/